Hôm qua Sài Gòn tiến hành đợt xiết chặt giãn cách với sự tăng cường hỗ trợ của quân đội, mà theo anh em trên mạng vẫn gọi là chỉ thị 16 Pro Max”, còn khối báo chí thì gọi là “trận đánh cuối”. Ở phía đầu Hà Nội, cũng tiến hành gia hạn lần 3 gói chỉ thị 16 và cũng với thông điệp “chặt chẽ hơn”. Chúng ta đã chiến thắng trong 3 lần dịch bùng phát lần trước với chiến thuật “khoanh vùng, dập dịch”, nhưng lần này chúng ta đã không thành công với cách làm đó nữa, có lẽ nó không còn phù hợp với biến chủng Delta. Chúng ta không bàn về vấn đề này, mà chúng ta chỉ nhân sự kiện này, để tự khái quát cho chúng ta một vài “chân lý”, để ứng dụng..

Cùng nhìn ra thế giới xung quanh và cùng nhìn lại lịch sử phát triển:

- Sự hùng mạnh của Nokia ngày nào đã biến mất.

- Mạng xã hội đình đám Yahoo cũng thất thủ.

- Xe ôm, Taxi nhường chỗ cho Grab.

- Nét như Sony giờ thay bằng sống động như Samsung.

- Quân nổi dậy Taliban thay thế nhà nước Afganistan kiểm soát đất nước.

Nhìn vào các sự kiện kinh tế, chính trị thay đổi từ hưng thịnh cho đến suy tàn, có rất nhiều lý do khách quan, nhưng đều tự chung lại ở một luận điểm: đó chính là thiếu sự TIẾN HOÁ cần thiết, thiếu sự THAY ĐỔI để phù hợp với thực tại và đón đầu tương lai…mà về mặt tiến hoá, chẳng học ai xa lạ, hãy học con Covid lươn lẹo. Khi tốc độ thay đổi mã Gen của nó quá nhanh, nó sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trong quá trình chiếm lĩnh vị thế.

thay đổi để thành công

Trong kinh doanh thường thức, có một câu ngạn ngữ: “không có một cách bán hàng cho tất cả các khách hàng, cũng như không có một sản phẩm nào phù hợp với mọi khách hàng”. Điều đó gợi mở cho chúng ta hiểu rằng sự duy ý chí, thậm chí bảo thủ trong cách bán hàng sẽ là mồ chôn cho tương lai của chúng ta, bất chấp thực tại chúng ta có đang tốt như thế nào. Cứ nhìn vào mấy hãng danh tiếng thì sẽ thấy, họ không thiếu người giỏi đâu, chỉ là họ giỏi trong giai đoạn mà năng lực họ đáp ứng đúng thị hiếu của người dùng thôi.

Tôi rất đồng tình với một quan điểm về sáng tạo: “Sáng tạo là khi sự thật được chấp nhận. Đó là thời điểm các luồng tư tưởng mới được hiện diện, sự thật sẽ xuất hiện và nó chỉ xuất hiện khi bản ngã (cái tôi) của chúng ta đi vắng”.

Có một sự thật là rào cản CỰC LỚN, đó là chúng ta chỉ có xu hướng tin những gì hợp với cái chúng ta nghĩ, và nghe những thứ chúng ta tin. Đó là hòn đá tảng đè lên chúng ta, làm cho chúng ta không thể sáng tạo nổi, thậm chí không thay đổi được. Chúng ta cứ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, một lối tư duy, một cách hành động như vậy, và chúng ta gọi đó là sự nghiệp. Đó cũng là căn nguyên cho sự ì ạch, lý do của sự mất phần, thậm chí sụp đổ.

Vậy giải pháp ở đây là gì, là phải thay đổi, phải sáng tạo, phải tiến hoá. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tự tiến hoá, hay sáng tạo,…nhưng tin vui là tất cả chúng đều có khả năng thay đổi. Bởi sáng tạo là một loại năng lực, còn thay đổi là một sự lựa chọn, mà chúng ta thì ai cũng có quyền lựa chọn.

thanh-cong-do-lua-chon-vi-dai-do-lua-chon

Thay đổi tức là hôm nay nó có gì đó khác hôm qua, tích cực hơn, hoặc có điều chỉnh để tối ưu hơn. Thước đo ở đây là chữ “khác” và chữ“hơn”, chỉ đơn giản vậy, nhưng nó lại là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Chúng ta LỰA CHỌN việc lắng nghe từ người thành công, học hỏi cái mới mẻ từ báo chí, sác vở. Thậm chí ta có thể copy nguyên vẹn cái hay, cái mang lại thành quả từ hàng xóm, đồng bọn hay cả đối thủ của mình cũng không vấn đề gì. Bởi làm được thế đồng nghĩa với việc chúng ta đã cho cái tôi chúng ta đi vắng, và đây là đỉnh cao nhất của giác ngộ.

Hãy kiên định với con đường mà mình đã chọn, nhưng hãy uyển chuyển lựa chọn phương tiện trên con đường đó, để hành trình đến với thành công của ta luôn an toàn và bền vững.

Theo bài viết chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của Ông Lang Ngô - Kê đơn tiềm thức_Bắt mạch tâm hồn